Ngũ hành sơn – danh lam thắng cảnh giữa lòng Đà Nẵng

Đà Nẵng có nhiều điểm tham quan du lịch nổi tiếng như Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Bán đảo Sơn Trà, các bãi biển…, trong đó chùa Non Nước – Ngũ Hành Sơn là điểm khá nổi tiếng, được ví như “Hòn nam bộ” của Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn nằm gần trung tâm thành phố Đà Nẵng, cách khoảng 8 km đi về hướng Đông nam (hướng đi Hội An). Khá nổi tiếng, lại gần trung tâm, đường sá được đầu tư xây dựng rộng rãi, sạch đẹp nên Ngũ Hành Sơn thu hút sự quan tâm của nhiều du khách khi đến Đà Nẵng.

Ngũ Hành Sơn gồm có 5 ngọn: Thủy Sơn và Mộc Sơn ở phía Đông, Thổ Sơn, Kim Sơn, Hỏa Sơn ở phía Tây, nằm trên một dải cát vàng chiều dài khoảng 2 km, rộng khoảng 800m thuộc quận Ngũ Hành Sơn.

nui-ngu-hanh-son

Lên thăm chùa chiền và hang động Thủy Sơn, du khách có thể đi bằng hai đường: đường tam cấp phía Tây nam dẫn lên chùa Tam Thai có 156 bậc hoặc tam cấp phía đông dẫn đến chùa Linh Ứng có 108 bậc. Ngũ Hành Sơn không cao, nhưng sườn núi dốc đứng cheo leo, cây cỏ lơ thơ. Đến với chùa non nước, thăm quan khám phá những ngọn Thổ Sơn, Hỏa Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Kim Sơn, rồi ghé thăm những hang động, những ngôi chùa gắn liền cùng lịch sử nơi đây như chùa Từ Tâm, chùa Tam Tâm và Phổ Đồng ra thăm Vọng Giang Đài. Đứng ở đây có thể nhìn thấy bao quát cả một vùng đồng ruộng mênh mông của Đà Nẵng và các con sông Trường Giang, Cẩm Lệ bao quanh.

Thủy Sơn là ngọn cao nhất trong Ngũ Hành Sơn, rộng chừng 15 ha. Các chùa chiền và hang động tập trung chủ yếu ở Thủy Sơn. Chùa Tam Thai là một ngôi chùa được xem là quốc tự và là di tích Phật giáo. Theo sử liệu, chùa được xây dựng cách đây khoảng 300 năm. Năm 1825, Minh Mạng trong chuyến tuần du Ngũ Hành Sơn đã cho xây lại chùa Tam Thai, năm 1927 đã cho đúc 9 tượng và 3 chuông lớn.

chua-tam-thai

Vòng ra sau lưng chùa Tam Thai theo một con đường đất sẽ gặp một cổng vôi cổ kính không biết xây từ bao giờ, trên có 3 chữ Hán “Huyền Không Quan”. Đây là cửa vào động Hỏa Nghiêm và động Huyền Không.

dong-huyen-khong
Luồng ánh sáng kỳ ảo trong động Huyền Không.

Trong động Huyền Không có đường dẫn sâu xuống lòng đất. Lần mò trong bóng tối khoảng 10m trước mặt bỗng bừng lên một khoảng không gian rộng, cao vòi vọi, ánh sáng mờ ảo, êm dịu. Động Huyền Không là hang lộ thiên nằm gọn trong lòng núi. Núi hình tròn nên mái động cũng hình vòm, nền bằng phẳng, không có măng đá và nhũ đá, trên vòm có 5 lỗ lớn nhỏ có thể trông thấy bầu trời bên ngoài. Vách động có bọt đá tạo nên những hình thù kỳ thú.

Từ sau chùa Tam Thai, đi về phía Đông sẽ gặp cụm hang động Trung Thai. Cụm này có động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt và động Vân Thông. Động Vân Thông nằm gọn trong lòng núi, hình tròn như đường ống chếch lên phía ngọn núi. Trong động có một tấm bia cổ, khắc 3 chữ “Ngũ Uẩn Sơn”, giữa động có một tượng Phật rất lớn.

Sau lưng là đường đi lên động, càng vào sâu càng hẹp và hướng lên đỉnh núi, phải bám vào các tảng đá mới bò lên được, cuối động là miệng thông ra ngoài to bằng cái nong (đường kính khoảng hơn 1m). Ánh sáng từ đỉnh dọi vào trong động tạo ánh hào quang rực rỡ. Đứng trên đỉnh động có thể bao quát cả một vùng đồng ruộng, sông biển, xóm làng.

Cụm chùa chiền hang động Hạ Thai gồm có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, động Tàng Chân, động Ngũ Cốc, động Âm Phủ, Giếng Tiên. Vọng Hải Đài là điểm cao bên phải chùa Linh Ứng. Đứng ở đây du khách có thể phóng tầm mắt ra một vùng trời, biển bao la với các hoạt động nhộn nhịp của ghe thuyền trên biển. Ở đây cũng có một tấm bia bằng đá Trà Kiệu, kích thước như ở Vọng Giang Đài, dựng vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837).

dong-am-phu
Động Âm Phủ

 

Chùa Linh Ứng ở ngọn Hạ Thai cũng là ngôi chùa có giá trị lịch sử cao, được xem là quốc tự và di tích Phật Giáo. Từ tam quan chùa Linh Ứng có đường đi xuống núi, rẽ phải sẽ gặp động Âm Phủ. Động cao, rộng, hình tròn sâu thẳm. Đường hang quay về phía Tây, vách lởm chởm đá, ẩm ướt, mát lạnh. Xuống khoảng 30m ta sẽ gặp một hầm cao, ánh sáng vẫn lọt qua khe đá dọi vào. Lần qua những cột đá lớn ta sẽ gặp một hang hẹp, lách qua ngách hầm còn có một vòm cao, một giếng sâu thông xuống lòng đất.

Trở lại Linh Ứng tự ở phía đông Thủy Sơn, theo 108 bậc đá cẩm thạch để xuống núi. Nếu có thời gian thì có thể đi thăm các ngọn núi khác. Tuy nhiên, các ngọn núi sau này đều nhỏ, ngoại trừ hòn Hỏa Sơn cốc – một hang đá mang tên động Quan Thế Âm thì không có di tích nào đặc biệt.

Một điều đặc biệt khác bản thân Ngũ Hành Sơn mang lại là loại đá cẩm thạch có nhiều màu: sáng đục, trắng sữa, hồng phấn, xám vân đỏ, nâu đen, xanh đậm…, không cứng lắm và là chất liệu rất tốt cho tạc tượng và đồ mỹ nghệ trang trí. Chính vì vậy, các khu vực dân cư quanh Ngũ Hành Sơn hình thành các làng nghề mỹ nghệ khá đông đúc và xôm tụ. Rất nhiều hàng quán, cơ sở trưng bày đa dạng mặt hàng mỹ nghệ về đá dọc theo đường Huyền Trân Công Chúa đi vào Ngũ Hành Sơn. Và khi tạm biệt “Hòn non bộ khổng lồ” giữa lòng thành phố Đà Nẵng, mỗi du khách không quên mua cho mình một món quà mỹ nghệ đá làm kỉ niệm.

Làng đá mỹ nghệ non nước

Sau những giờ phút phiêu du trong huyền tích Ngũ Hành, du khách sẽ dừng chân ở làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước nằm ngay chân núi. Là một trong những làng nghề truyền thống ở Đà Nẵng đã gần 400 năm tuổi, nơi đây nổi tiếng với các sản phẩm mỹ nghệ bằng đá đẹp mắt và tinh xảo được tạo nên bởi đôi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân.

lang-da-non-nuoc

Đến thăm một cơ sở sản điêu khắc trong làng nghề Non Nước, du khách không khỏi trầm trồ trước sự phong phú và sinh động của các mặt hàng bày bán. Với kích cỡ lớn và những nét biểu cảm chân thực như người thật, các pho tượng Phật, tượng Thánh, danh nhân… thường được đặt ở khu tiền sảnh nhằm thu hút du khách tham quan. Đặt kế sau là các bức tượng thú, đèn vườn, bình hoa, bia mộ… với kích cỡ nhỏ hơn nhưng không kém phần trau chuốt tạo hình.

Những hòn đá nhỏ thô ráp, vô tri cũng được các nghệ nhân khéo léo chế tác thành nhiều món đồ lưu niệm và trang sức nhỏ xinh, làm quà cho du khách. Bởi thế, sau một vòng tham quan và mãn nhãn với những kiệt tác được làm từ đá khối, khó ai có thể chối từ việc mua một sản phẩm của làng đá làm kỷ niệm và dành tặng người thân.